So sánh vắc-xin Quinvaxem và vắc-xin Pentaxim

So sánh vắc-xin Quinvaxem và vắc-xin Pentaxim
So sánh vắc-xin quinvaxem và vắc-xin pentaxim
SO SÁNH VẮC-XIN QUINVAXEM VÀ VẮC-XIN PENTAXIM
 
A.    Mục đích phòng bệnh của 2 loại vắc-xin:
·        Vắc-xin Quinvaxem: phòng ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, các nhiễm trùng hô hấp và viêm màng não do Hemophilus influenza týp B.
·        Vắc-xin Pentaxim: phòng ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, các nhiễm trùng hô hấp và viêm màng não do Hemophilus influenza týp B.

B.     Sự khác nhau nổi bật nhất giữa 2 loại vắc-xin:
·        Điều khác biệt cơ bản giữa 2 loại vắc-xin này là Quinvaxem có thành phần viêm gan siêu vi B nhưng không có thành phần bại liệt, còn Pentaxim có thành phần bại liệt nhưng không có thành phần viêm gan siêu vi B. Do đó, theo lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia, nếu trẻ được chỉ định tiêm Quinvaxem thì phải được chỉ định uống vắc-xin ngừa bại liệt; nếu trẻ được chỉ định tiêm Pentaxim thì phải được chỉ định tiêm thêm vắc-xin viêm gan siêu vi B.
·        Điểm khác nhau kế tiếp của 2 loại vắc-xin này là thành phần ho gà. Vắc-xin Quinvaxem có thành phần kháng nguyên là toàn bộ tế bào vi khuẩn ho gà đã được bất hoạt, được gọi là vắc-xin ho gà toàn tế bào; trong khi vắc-xin Pentaxim chỉ có 2 kháng nguyên đặc trưng của vi khuẩn ho gà, được gọi là vắc-xin ho gà vô bào.
 

C.    Sự an toàn của 2 loại vắc-xin:
·        Trước khi được cấp phép lưu hành và đưa vào sử dụng, các loại vắc-xin đều phải trải qua quy trình kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng, tính an toàn, hiệu quả.
·        Cả 2 vắc-xin ho gà toàn tế bào và vô bào đều có tỷ lệ các phản ứng nặng và tử vong như nhau. Kết quả giám sát và nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam cho thấy, các trường hợp tử vong hầu hết là trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có của trẻ mà không liên quan tới vắc-xin.
·        Ủy ban Tư vấn toàn cầu về an toàn vắc-xin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kết luận vắc-xin Quinvaxem là một trong những vắc-xin an toàn nhất hiện nay, có lợi ích rất to lớn về y tế công cộng trong việc bảo vệ 5 bệnh phổ biến ở trẻ em chỉ bằng một mũi tiêm. Ngoài ra, thành phần vắc-xin ho gà toàn tế bào trong Quinvaxem giống với thành phần ho gà trong vắc-xin bạch hầu - ho gà - uốn ván được sản xuất trong nước mà Việt Nam đã dùng từ năm 1985 đến nay. Thực tế cho thấy vắc-xin này là an toàn và có hiệu quả cao trong việc giảm tỷ lệ trẻ mắc và tử vong vì ho gà ở Việt Nam (giảm gần một ngàn lần so với năm 1984).

 
D.    Tầm quan trọng của vắc-xin
·        Bản chất của vắc-xin là một chế phẩm sinh học đặc biệt có nguồn gốc từ các vi sinh vật gây bệnh hoặc độc tố của chúng hoặc do tổng hợp sinh học đã được bào chế làm mất khả năng gây bệnh nhưng vẫn còn khả năng kích thích cơ thể sinh kháng thể bảo vệ.
·        Mục tiêu quan trọng nhất của việc triển khai tiêm chủng tại một quốc gia là tạo nên sức mạnh miễn dịch cả cộng đồng. Tỷ lệ tiêm chủng cần phải đạt từ 80 đến 90% thì mới có thể đạt tới mục tiêu chiến lược ấy. Đó là lý do Bộ Y tế Việt Nam luôn cố gắng nỗ lực trong những năm qua để đạt tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc đạt hơn 90%, đẩy lùi các bệnh dịch nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe người dân.
·        Quinvaxem được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng cho nên mỗi năm Việt Nam sử dụng hết 4,5 triệu liều Quinvaxem cho 1,5 triệu trẻ trong cả nước (khoảng 92% trẻ trong độ tuổi được tiêm Quinvaxem), còn Pentaxim chỉ sử dụng khoảng 100 nghìn liều tiêm cho 33 nghìn trẻ/năm. Mặc dù tỷ lệ phản ứng sau tiêm như nhau giữa 2 loại vắc-xin nhưng số trường hợp phản ứng sau tiêm của Quinvaxem nhiều hơn do số liều vắc-xin được tiêm nhiều hơn.
·        Vì thế, hiện WHO vẫn khuyến cáo các nước đang sử dụng vắc-xin ho gà toàn tế bào nên tiếp tục sử dụng vì khả năng tạo miễn dịch của vắc-xin ho gà toàn tế bào tốt hơn so với vắc-xin ho gà vô bào.

E.     Lịch tiêm vắc-xin Quinvaxem hoặc Pentaxim
·        Mũi 1: khi trẻ 2 tháng tuổi.
·        Mũi 2: khi trẻ 3 tháng tuổi.
·        Mũi 3: khi trẻ 4 tháng tuổi
 
Để đạt hiệu quả tiêm chủng vắc-xin tốt nhất, nên tuân thủ đúng lịch tiêm chủng và sử dụng cùng một loại vắc-xin.
 
  (Theo tài liệu của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế)