Bệnh sởi (Bệnh ban đỏ)

Bệnh sởi (Bệnh ban đỏ)
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm do vi rút sởi gây ra. Bệnh thường lành tính nhưng cũng có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.
BỆNH SỞI (BỆNH BAN ĐỎ)

A.    Bệnh sởi là gì và lây lan như thế nào?
·        Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm do vi rút sởi gây ra. Bệnh thường lành tính nhưng cũng có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.
·        Bệnh lây từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng văng ra khi người bệnh nói, ho, hắt hơi mà không che miệng, mũi hoặc do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường mũi, họng của người bệnh.
·        Bệnh sởi lây truyền mạnh từ 5 ngày trước khi phát ban đến 5 ngày sau khi phát ban.
·        Trẻ em và người lớn đều có thể mắc bệnh, đặc biệt là những người đang sống trong vùng dịch và chưa được chủng ngừa đầy đủ bằng vắc-xin phòng sởi.

B.     Dấu hiệu thường gặp của bệnh sởi?
·        Sốt cao liên tục 38–40°C và ho trong thời gian chưa ra ban hoặc đang phát ban sởi.
·        Viêm long: chảy nước mũi, chảy nước mắt, mắt đỏ, sợ ánh sáng (mắt kèm nhèm).
·        Ban xuất hiện 3–4 ngày sau sốt, ho. Ban mọc theo thứ tự từ sau tai, hai bên má, cổ ngực, tay, sau lưng, chân, toàn thân. Ban sởi có dạng dát-sẩn hơi nổi lên trên bề mặt da, màu hồng, sờ mịn và không đau, không hoặc ít ngứa, không sinh mủ. Ban có thể rải rác hoặc dày thành mảng. Sau 3–4 ngày ban mọc thì ban bay dần theo thứ tự mọc và để lại vết thâm trên da khoảng một tuần.
·        Niêm mạc má bên trong miệng có thể có những chấm trắng nhỏ, xung quanh có viền đỏ (đốm Koplik), thường xuất hiện và biến mất nhanh trong vòng 12 đến 24 giờ.
·        Chán ăn, mệt mỏi.
·        Đa số người mắc bệnh Sởi có thể tự khỏi trong vòng 7-10 ngày và có thể được điều trị, chăm sóc tại nhà để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện TRỪ một số trường hợp bệnh có biến chứng cần được điều trị tại bệnh viện.



C.    Bệnh sởi có những biến chứng nào?
·        Viêm phổi.                                      ·  Viêm thanh quản.
·        Viêm não.                                       ·   Tiêu chảy kéo dài.
·        Suy dinh dưỡng.                             ·   Viêm tai giữa.
·         Loét giác mạc do thiếu vitamin A.

D.    Người bệnh cần nhập viện khi có những dấu hiệu nào?
·        Thở bất thường.                       ·   Không uống được hoặc bỏ bú ở trẻ nhỏ.                         
·        Co giật.                                    ·   Người bệnh mệt hơn.
·        Li bì.                                        ·   Chảy mủ tai.
·        Sốt cao khó hạ trên 48 giờ hoặc còn sốt sau khi ban đã bay.

E.     Làm sao phòng ngừa bệnh sởi?
·        Tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi là biện pháp chủ động và hiệu quả nhất.
·        Rửa tay thường xuyên với nước sạch và xà phòng: trước và sau khi chăm sóc, tiếp xúc với người bệnh; trước khi bế ẵm trẻ; sau khi che miệng khi ho, hắt hơi; trước khi cho trẻ ăn; khi chế biến thức ăn; sau khi đi vệ sinh.
·        Thông thoáng nơi ở, nơi vui chơi của trẻ, nơi làm việc; lau chùi bề mặt sàn nhà, bàn/ghế, dụng cụ học tập; rửa sạch các vật dụng, đồ chơi của trẻ hàng ngày bằng nước sạch, xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
·        Hạn chế: đi vào chỗ đông người, vào khu vực có dịch và tiếp xúc với người bệnh. Nếu tiếp xúc phải đeo khẩu trang.
·        Ăn đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe. Ăn chín, uống chín.

F.     Chăm sóc tại nhà và phòng lây bệnh sởi cho cộng đồng như thế nào?
·        Nghỉ học, nghỉ làm và nằm cách ly tại nhà cho đến 5 ngày sau khi phát ban. Nằm nơi thoáng mát.
·        Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người xung quanh.
·        Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khăn vải, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn.
·        Trẻ em cần được uống bổ sung Vitamin A để phòng ngừa khô mắt và nhỏ mắt, mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý 9‰.
·        Rửa tay, vệ sinh thân thể, răng, miệng để tránh nhiễm trùng.
·        Không dùng chung các đồ dùng và rửa sạch các vật dụng, đồ chơi... 
·        Ăn đủ chất, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, ăn thành nhiều bữa.
·        Theo dõi nhiệt độ, phát hiện những dấu hiệu bệnh nặng cần nhập viện.
·        Thực hiện theo đơn thuốc và tái khám theo lời dặn của bác sỹ.

G.    Nếu nhập viện cần làm gì để phòng lây nhiễm chéo?
·        Người bệnh, người chăm sóc, người thăm bệnh cần đeo khẩu trang và thực hiện rửa tay thường xuyên với nước sạch và xà phòng.
·        Người bệnh, người chăm sóc không đi qua các phòng bệnh khác.
·        Thông thoáng phòng bệnh.

·        Không sử dụng chung các vật dụng của những người bệnh khác.