Bộ Y tế đẩy mạnh phát triển ứng dụng Công nghệ thông tin trong y tế
Trong 2 ngày ngày 24 và 25 tháng 10/2016 tại TP. Vũng Tàu, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo Xây dựng Thông tư “Ứng dụng Công nghệ thông tin trong y tế từ xa” và Xây dựng “Bộ tiêu chí và các gói dịch vụ đối với hệ thống Công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Đây là một trong những hoạt động quan trọng của Cục CNTT nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý về Ứng dụng CNTT y tế.
Theo số liệu thống kê, đến nay có 100% bệnh viện tuyến trung ương, 68% bệnh viện tuyến tỉnh và 61% bệnh viện tuyến huyện đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện. Các phần mềm này có thể kết xuất báo cáo phục vụ công tác giám định và thanh quyết toán BHYT. Tuy nhiên các phần mềm này vẫn chưa có khả năng kết nối, liên thông và trao đổi thông tin với nhau. Nhằm giải quyết thực trạng này, Bộ Y tế đang xây dựng hệ thống trao đổi bệnh án điện tử, hình thành một số hệ thống tư vấn khám chữa bệnh từ xa.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã chỉ đạo một số bệnh viện tuyến trung ương triển khai Telemedicine, hỗ trợ các bệnh viện vệ tinh ở tuyến tỉnh, tuyến huyện bước đầu có kết quả rất khả quan. Các bệnh viện Bạch Mai, Hữu Nghị Việt Đức, Nhi trung ương, Phụ sản trung ương, Chợ Rẫy đã thường xuyên hội chẩn trong khám, chữa bệnh cho một số bệnh viện tuyến tỉnh, bao gồm cả một số bệnh viện ở miền núi như Điện Biên, Hà Giang, Đăk Lăk,….đã góp phần nâng cao hiệu quả cấp cứu, phẫu thuật của các bệnh viện vệ tinh. Hệ thống Telemedicine đi vào hoạt động góp phần xử lý kịp thời các ca bệnh khó, các tình huống bệnh nguy kịch, hiểm nghèo cần xử lý gấp mà không kịp chuyển lên bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là tại các bệnh viện vùng biên giới, hải đảo, nằm cách xa trung tâm. Bệnh nhân ở các bệnh viện tuyến huyện vẫn có thể được các giáo sư, bác sĩ giỏi đầu ngành từ các bệnh viện hàng đầu tuyến trung ương, các thầy thuốc tại tuyến tỉnh tư vấn, hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa. Người bệnh và gia đình không phải mất thêm nhiều chi phí cho việc đi lại, ăn ở khi phải chuyển viện lên tuyến trên; đồng thời góp phần giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Hệ thống này cũng giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho các bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh thông qua các hoạt động tư vấn, chẩn đoán, khám chữa bệnh từ xa, hội thảo và đào tạo kỹ thuật y tế Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã thử nghiệm chẩn đoán hình ảnh từ xa qua hệ thống PACS của Viewsend (Nhật Bản) giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh. Ngoài ra một số hoạt động khác theo hướng này cũng đã và đang được triển khai như Nhóm công tác E-Telemedicine của VinaREN với TEIN2/APAN với 10 thành viên là các bệnh viện lớn. Hiện Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng Thông tư quy định việc ứng dụng CNTT trong y tế từ xa, xây dựng các gói dịch vụ CNTT cơ bản ứng dụng trong y tế và đề xuất với các cơ quan liên quan việc xây dựng cơ chế tài chính, cách thức chi trả, trách nhiệm chi trả của các bên liên quan khi tham gia hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa.
Bên cạnh đó, Cục CNTT đã dự thảo Thông tư quy định “Bộ tiêu chí và các gói dịch vụ đối với hệ thống Công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Việc ban hành Thông tư này để Cung cấp bộ công cụ đánh giá thực trạng ứng dụng CNTT tại bệnh viện; Định hướng cho các bệnh viện những vấn đề cần thiết khi triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT; Cung cấp tư liệu để bệnh viện có cơ sở căn cứ xây dựng kế hoạch, quy hoạch, đầu tư ứng dụng CNTT tại bệnh viện; Cung cấp tư liệu cho các cơ quan quản lý có cơ sở căn cứ để xây dựng các định mức chi trả cho hoạt động CNTT trong công tác khám bệnh, chữa bệnh và thanh quyết toán BHYT. Với mục tiêu đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện, theo TS Trần Quý Tường, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện. Chú trọng xây dựng các cơ chế tài chính phù hợp cho việc ứng dụng CNTT trong y tế. Xây dựng các chuẩn ngành, chuẩn bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, y bạ điện tử (EHR, EMR, PHR) và ứng dụng rộng khắp tại các cở sở y tế trên cả nước. Trong đó đặc biệt chú ý xây dựng Hồ sơ y tế điện tử; Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giám định, thanh toán Bảo hiểm y tế (BHYT); Xây dựng hệ thống lưu trữ, xử lý và truyền tải hình ảnh y khoa – PACS, cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử, Y bạ điện tử quốc gia,… Đảm bảo dữ liệu, thông tin về tình trạng người bệnh được ghi trong hồ sơ y tế phải tuân theo chuẩn, có thể trao đổi và lưu trữ các thông tin phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe. Người bệnh và cán bộ Y tế khi được cấp phép có thể truy cập vào hồ sơ y tế bất kỳ lúc nào, bất cứ ở đâu. Triển khai mô hình quản lý bệnh viện tiên tiến ở các bệnh viện nhằm khai thác tối đa nguồn lực y tế hiện có, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp, dễ dàng mở rộng quy mô hoạt động, duy trì chất lượng dịch vụ đồng đều. Hoàn thiện việc liên thông, kết nối phần mềm QLBV với thanh toán BHYT, giám định BHYT…
Lê Hảo
Nguồn: kcb.vn
Ý kiến bạn đọc